TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Người Đeo Mặt Nạ.


Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn

Lời Tác Giả: Người Đeo Mặt Nạ là một truyện ngắn có nội dung hư cấu. Cốt chuyện dựa theo sinh hoạt của người Việt tỵ nạn định cư ở Nam Úc. Những danh xưng các hội đoàn, những tên các nhân vật trong câu chuyện....Tất cả đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp là ngoài ý của tác giả. Xin độc giả niệm tình bỏ qua. Truyện được viết theo lối văn trào phúng, mang tính châm biếm, phản ảnh tính háo danh và phe nhóm của những kẻ bất tài....
Adelaide 2017
Dương Đại Trường

****

        Luân ngồi nói chuyện với lão Tư Bông nơi văn phòng Trung Tâm Văn Hóa. Hắn thở dài, miệng lầm thầm than vản:
- Tại sao mấy tháng qua bà con nông gia vùng Virginia đàm tiếu xôn xao về chức vụ của tui: Phụ tá ngoại vụ cho ông chủ tịch Hội Nông Dân! Vài người ác ý hơn, gặp tui ngoài phố, giả vờ như không thấy tui, họ xì xầm chế nhạo: “ Thầy Luân đã hết thời, không còn làm giáo sư đại học, bây giờ đi làm phụ tá cho ông chủ tịch không có trình độ văn hóa, dốt đặc cán mai, chữ Việt không biết và tiếng Ăng-lê cũng mù tịt... Họ còn cười chê, mỉa mai nói tui là: Gà què ăn quẩn cối xay.!

*****

     Hắn vừa than thở xong, lão Tư Bông nhìn Luân với cặp mắt tội nghiệp, thương hại, rồi lão buông lời vấn an hắn:
- Mặc kệ! Sống ở xứ Tự Do, ai nói gì thì cứ tự do nói! Miễn sao, mỗi tuần lễ trôi qua, chú mầy lảnh được vài trăm dollars, gọi là tiền bồi dưỡng công lao ngoại giao của chú mầy với chính quyền các cấp. Chú mầy an tâm mà làm việc, hội Nông Dân của tụi anh gồm những đại gia xứ rẩy, thừa tiền lắm bạc, trả lương cho chú mầy đến hết kiếp nầy cũng đủ..!
      Lão Tư Bông ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Tục ngữ Việt Nam có câu: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ! Chú mầy bây giờ hết thời rồi thì phải cam phận làm việc cho hội Nông Dân để kiếm tiền tiêu xài, qua ngày đoạn tháng, chờ cho đến ngày theo ông theo bà về bên kia thế giới. Nếu anh đứng trên cương vị của chú mầy, anh cũng phải dấn thân phục vụ cho hội, vừa được tiếng tăm và vừa  được tiền. Thử hỏi, có ai trên đời nầy chê tiền “tanh hôi” hả chú Luân? Làm kẻ sĩ phải thức thời mới có tiền sinh sống được. Vả lại, chú mầy làm phụ tá ngoại vụ cho chủ tịch Lâm Dòm, không phải là chức vụ tầm thường đâu!
       Nghe Tư Bông phân tích, Luân cúi mặt, thở dài rồi nhỏ nhẹ đáp:
- Nhưng! Tiếng tăm quái gì đâu! Tui cũng hổ thẹn với cái chức vụ mà quí anh bố trí cho tui: Phụ tá ông chủ tịch Lâm Dòm! Tui đường đường là một giáo sư đại học mà bây giờ thất thời phải đi làm phụ tá cho ông chủ tịch hội Nông Dân. Nghĩ lại, tui giữ chức vụ rất tầm thường và không xứng đáng với trình độ một người trí thức như tui.    
     Hắn nói đến đây, lão Tư Bông xen vào, ngắt lời Luân:
- Chú mầy thuộc diện giáo sư bán thời, chưa có biên chế chánh nghạch. Dù chú mầy dạy tiếng Việt ở đại học, nhưng không có bằng cấp chuyên môn thì giống như nhân viên bình thường mà thôi ... So sánh với chức vụ Phụ Tá Ngoại Giao cho Hội Nông Dân thì chú mầy vẫn kiếm tiền nhiều hơn đi dạy học. Nếu chú mầy cảm thấy mắc cở, ngại ngùng... thì anh đề nghị chú mầy dùng chiếc mặt nạ cao su màu da người, đeo vào mặt mỗi khi ra đường phố hay làm Mc cho những chương trình sinh hoạt của hội Nông Dân. Vì theo tâm lý học, khi đeo chiếc mặt nạ vào thì chú mầy có cảm giác tự tin, không còn ngại ngùng, không biết xấu hổ và mắc cở nữa.
    Nghe lão Tư Bông phân tích chí lý, Luân nhe răng cười, nụ cười như đắc ý về việc làm sắp đến của hắn: Đeo chiếc mặt nạ da người.   
     Luân không tiếp tục nói chuyện với Tư Bông nữa, hắn dựa lưng vào chiếc ghế, đăm chiêu suy nghĩ những lời đàm tiếu về hắn trong thời gian qua.! Trên khuôn mặt hắn: Cặp mắt lộ và xếch ngược! Theo sách tướng số thì cặp mắt nầy tiêu biểu một con người hung ác, phản trắc, lừa thầy, tiểu nhân hạ tiện... Đôi gò má của hắn nhô cao làm nổi phồng làn da lấm chấm đen như vảy đồi mồi, biểu tượng cho tuổi già của hắn!  Thỉnh thoảng, Luân nheo đôi mắt, nhíu đôi mày nhìn vào khoảng không gian ngập ánh nắng vàng tung tăng trên ngọn cây lay động khi cơn gió nhẹ lướt qua.
     Buổi sáng hôm nay trời mới vào xuân nên không khí lành lạnh của mùa đông vẫn còn luyến tiếc, vấn vương theo làn gió thoảng, hiu hiu thổi qua thị trấn Virginia. Trên nóc cao của hotel đối diện trung tâm Văn Hóa, bầy chim sẻ đang phơi mình tắm nắng, chúng hót lên tiếng kêu ríu rít gọi đàn. Bầu trời trắng đục với những đám mây lửng lờ trôi, dần dần nhường chỗ cho mặt trời tỏa ánh nắng ban trưa lan tỏa khắp cánh đồng. Về phía xa xa những dảy nhà kính phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh một vùng loáng bạc, trông như chiếc gương khổng lồ.
     Luân đang thả hồn theo dòng suy nghĩ. Hắn nhìn ra ngoài sân đăm chiêu, tư lự, trông chờ ông chủ tịch Lâm Dòm đến để chở nó đi dự cuộc hội thảo với chính quyền. Nội dung cuộc hội thảo nói về sự phát triển trong tương lai của vùng đồng bằng phía bắc thành phố Adelaide, do nhóm giáo sư trường đại học Nam Úc tổ chức. Nhóm giáo sư nầy có một người là bạn đồng liêu với giáo sư Luân.
     Hắn ngồi chờ đợi hồi lâu mà chưa thấy chủ tịch Lâm Dòm đến! Hắn đưa tay lên nhìn chiếc đồng hồ xem giờ rồi nói lầm thầm:
- Ông chủ tịch Lâm Dòm hẹn giờ dây thun!
     Luân vừa dứt lời càm nhàm, bổng xuất hiện chiếc xe chạy nhanh vào sân, cuốn theo bụi đường mù mịt phía sau. Xe dừng lại trước cửa trung tâm, người tài xế vẫn ngồi bên trong, nhấn kèn báo hiệu thay cho lời kêu gọi. Nghe tiếng kèn xe, Luân đi vội vả ra ngoài , mở cửa bước lên xe, ngồi phịch xuống ghế. Hắn vừa đưa tay cài dây an toàn vừa nói:
- Sao chủ tịch đến trể quá!
- Tôi bận xịt thuốc trừ sâu nên quên xem đồng hồ!
- Lái xe nhanh lên, kẻo trể giờ hội thảo!
- Mấy giờ bắt đầu?
- 1.30 pm!
      Rồi chợt nhớ đến cương vị mình là chủ tịch Hội Nông Dân, không thể làm tài xế chở người phụ tá, Lâm Dòm quay mặt nhìn Luân rồi nói khéo:
- Anh Luân rành đường xá ngoài thành phố Adelaide, anh lái xe cho kịp giờ họp. Vả lại, anh là phụ tá của tôi, anh lái xe mới đúng với “qui trình” nhiệm vụ....
      Lâm Dòm nói xong, nó dừng xe lại và nhường chỗ cho Luân làm tài xế! Luân vừa ngồi vào ghế tài xế, chân hắn đạp hết ga, chiếc xe chạy như tên bay, vun vút trên đường lộ. Lâm Dòm đưa mắt nhìn cảnh vật hai bên đường, thấy những dảy nhà kính lùi lại phía sau giống như thành phố trùng điệp nhà cửa. Xe chạy xa dần, bỏ lại thị trấn Virginia lặng lẻ phơi mình dưới nắng xuân.
     Xe vừa đậu vào carpark của trường đại học Nam Úc, Luân móc trong túi áo veston lấy ra chiếc mặt nạ, hắn đeo vào rồi soi kính chiếu hậu chỉnh sửa. Lâm Dòm nhìn hắn, ngạc nhiên hỏi:
- Anh làm gì thế?
- Đeo mặt nạ!
    Lâm Dòm nhíu mày, nó thắc mắc hỏi:
- Tại sao anh phải đeo chiếc mặt nạ?
     Luân ngập ngừng rồi nhỏ nhẹ trả lời câu hỏi của chủ tịch Lâm Dòm:
- Kỳ thực ra, có những điều trong sinh hoạt của hội Nông Dân bắt buộc chúng ta phải che giấu sự thật, phải “dày mặt” mới làm được việc! Những chuyện thâm cung bí sử trong Hội Nông Dân kể ra dài dòng lắm, chúng ta sẽ bàn sau trong cuộc họp nội bộ sắp tới! Bây giờ chúng ta vào phòng hội thảo gấp. Trể giờ rồi!
      Hai chủ tớ vội vả đi vào phòng. Vừa bước vào cửa, Lâm Dòm nhìn thấy chủ tịch Hội Nông Gia chính thống D.Ly ngồi nơi hàng ghế đầu của phòng hội thảo. Lâm Dòm khựng lại rồi kề vào tai Luân hỏi nhỏ:
- Tại sao có mặt D.Ly, chủ tịch Hội Nông Gia???
     Luân ẩm ờ trả lời:
- Tui không biết! Chắc có lẽ do ban tổ chức gởi thư mời D.Ly.
      Lâm Dòm cúi mặt tỏ vẻ thất vọng, nói trách người phụ tá của mình:
- Tôi trả lương cho anh, thế mà anh làm việc thất trách! Anh nói với tôi rằng: Hội Nông Gia không có tư cách pháp nhân và không được chính quyền công nhận hoạt động..... Thế là bấy lâu nay anh đã dối gạt tôi! Anh đã nhận tiền chúng tôi mà không làm được việc.
     Nhìn thấy chủ tịch Lâm Dòm tỏ thái độ giận dữ, Luân nhẹ giọng phân trần:
- Tui đã làm hết trách nhiệm của một người phụ tá cho ông! Tui đã tìm mọi cách gian dối để đăng ký danh xưng Hội Nông Dân với Consumer Affairs Nam Úc, xin số ABN, làm con dấu giả đánh lừa cơ quan chính phủ để họ cấp giấy chứng nhận cho hội..v..v.....Tất cả việc làm của tui đã không được chủ tịch chấm công mà ngược lại còn chê trách tui nữa!
     Nghe Luân phân trần, chủ tịch Lâm Dòm xuống giọng:
- Công lao của anh tôi sẽ xuất quỹ thưởng tiền. Chúng ta vào họp.
    Chủ tọa cuộc hội thảo hôm nay là giáo sư Abel, bạn cũ của Luân hồi còn dạy ở trường đại học Adelaide.  Vì thế, ỷ vào chỗ bạn bè quen biết với Abel, Luân không chờ đến phiên mình, hắn tự động giơ tay phát biểu:
- Tui đại diện cho Hội Nông Dân vùng Virginia, xin đóng góp vài kế hoạch về chương trình phát triển vùng đồng bằng phía bắc thành phố Adelaide....
     Luân dừng lại, nâng ly uống hớp nước thấm giọng rồi tự đánh bóng cá nhân mình và tâng bốc thành tích Hội Nông Dân của ông Lâm Dòm:
- *... Bản thân tui tham gia vào Hội Nông Dân đến nay đã được hai mươi năm, từ thời ông Tư Bông làm chủ tịch. Cái trung tâm Văn Hóa ở Virginia do chính tui vận động chính phủ tiểu bang tài trợ một trăm ngàn xây dựng trung tâm khang trang và hoành tráng như ngày hôm nay. Những sự phát triển về nông nghiệp vùng phía bắc cũng một phần nhờ tui bỏ công lao ra vận động chính giới. Riêng về Hội Nông Dân, thành tích đạt được trong thời gian qua gồm có: Tổ chức lễ  Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, lễ cúng đất cho quốc thái dân an và tổ chức lễ hội mừng xuân cho nông gia... Đặc biệt sắp tới đây, Hội Nông Dân sẽ tổ chức Tết  Đinh Dậu, chúng tôi mời bạn tui là ngài thủ hiến ở Nam Úc đến tham dự..v..v..”.
     Giáo sư Abel biết Luân nổi hứng “tự sướng” và nói lạc đề nội dung cuộc hội thảo, Abel nhắc nhở:
- Xin ông Luân nói tập trung vào chủ đề thảo luận hôm nay là: Sự Phát triển vùng đồng bằng khu vực phía bắc Adelaide trong tương lai.
     Nhưng vì Luân có đeo chiếc mặt nạ nên hắn không ngượng ngùng và tiếp tục bốc phét về thành tích ảo tưởng hội Nông Dân của Lâm Dòm. Mãi cho đến khi ban tổ chức yêu cầu lần cuối hắn mới chịu ngưng nói và rời khỏi bục diễn thuyết!
     Khi Luân phát biểu xong, D.Ly kề vào tai Lâm Dòm, thắc mắc hỏi:
- Bác Luân không phải là nông gia, tại sao hắn tự nhận là phụ tá cho ngài chủ tịch hội Nông Dân? Nếu hắn giữ chức vụ phụ tá thì hắn vi phạm nội qui của hội...
       Lâm Dòm nghe D.Ly nhắc đến bản Nội Qui, nó chống chế giải thích:
- Căn cứ vào bản Nội Qui, ông giáo sư Luân được ban chấp hành chúng tôi mời làm hội viên danh dự. Vì vậy, đã là hội viên thì ông Luân được đề cử làm phụ tá cho tôi.
     Nghe Lâm Dòm đề cập đến bản Nội Qui, D.Ly hỏi nó:
- Điều mấy, khoản nào trong bản Nội Qui nói về hội viên danh dự, xin ngài chủ tịch cho tôi biết.?
     Vốn dĩ là một người dốt đặc cán mai về nội qui sinh hoạt của hội, Lâm Dòm ú ớ trả lời:
-Ư! ư! ư! Tôi không nhớ rỏ! Tôi sẽ bảo phụ tá Luân của tôi trả lời cho anh nha.
- Không thành vấn đề! Tôi chỉ hỏi đùa với ngài mà thôi. Chúng ta bây giờ nên tập trung vào cuộc hội thảo.
       Sau khi Luân phát biểu xong, ban tổ chức buổi hội thảo mời chủ tịch Hội Nông Gia D.Ly đóng góp ý kiến về kế hoạch phát triển vùng đồng bằng bắc thành phố Adelaide. Giáo sư Abel giới thiệu và mời D.Ly lên bục diễn thuyết. Giáo sư Abel cầm micro, trịnh trọng nói:
- Tiếp tục cuộc hội thảo, tôi xin mời ông D.Ly, chủ tịch Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc trình bày vài phương hướng phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng phía bắc Adelaide..
      Dáng vóc thư sinh, khuôn mặt tuấn tú hiện lên nét trí thức của một người thanh niên trẻ trung, có trình độ văn hóa... D.Ly bước lên bục diễn thuyết, giọng nói rỏ ràng và tự tin:
- “... Xin kính chào tất cả quí vị hiện diện trong buổi hội thảo hôm nay.
    Kính thưa quí vị.!
    Đứng trước tình hình kinh tế của tiểu bang Nam Úc bị bế tắc trên nhiều lãnh vực xuất khẩu, nhất là lãnh vực xuất khẩu nông nghiệp. Chính phủ tiểu bang đang có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang các quốc gia Á Châu, trong số đó có Việt Nam. Vừa qua, tôi được chính phủ Nam Úc mời tham gia vào phái đoàn công du các quốc gia Á Châu, nhằm mục đích ký kết những hợp đồng thương mại song phương. Kết quả của chuyến công du nầy: Chính phủ đã ký kết những hợp đồng kinh tế với Việt Nam, Singapore, Hongkong.  Những hợp đồng có giá trị kinh tế rất khả quan, thu về cho tiểu bang hằng trăm triệu dollars mỗi năm...”
      Vừa dứt lời, cả phòng hội thảo vổ tay hoan nghênh bài diễn thuyết của chủ tịch D.Ly có nội dung xúc tích và hiện thực. Trong lúc cả phòng họp vổ tay khen ngợi chủ tịch D.Ly, giáo sư Luân cúi mặt thẹn thùng, hắn đưa tay sửa chiếc mặt nạ để tạo sự bình tỉnh. Lâm Dòm nhìn thấy quan khách tham dự ca ngợi D.Ly, nó như điên tiết lên, quay sang Luân nói trách:
- Anh đã khẳng định với tôi rằng: “ Ông trưởng ban tổ chức hội thảo là Gs Abel, bạn của anh. Sao anh không ngăn cản ông ấy mời D.Ly diễn thuyết?... Tôi thất vọng anh quá! Anh lảnh lương chúng tôi mà không có tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi sẽ cho anh nghỉ việc...”
    Nghe chủ tịch Lâm Dòm hăm he cho Luân nghỉ việc, hắn phân bua rồi nói van xin:
- Tui có đặt vấn đề nầy với bạn tui, nhưng ông Abel chơi khăm tui vào giờ phút chót! Tui hứa khắc phục, xin chủ tịch đừng khai trừ tui khỏi chức vụ phụ tá cho ông.!
- Thôi! Chúng ta về trung tâm để bàn kế hoạch sắp tới.
     Sau khi cuộc hội thảo chấm dứt, Lâm Dòm ra về mang trong lòng nỗi thất vọng! Trên đường về Trung Tâm Văn Hóa, nó ngồi trong xe im lìm không nói lời nào, nhìn ra bên ngoài, hiện trên đôi mắt nét buồn rười rượi. Luân nhìn thấy khuôn mặt của nó còn hiện nét giận hờn mình, Luân gợi chuyện:
- Chúng ta về Trung Tâm Văn Hóa gọi điện thoại cho các thành viên trong ban chấp hành đến họp hả chủ tịch?
    Lâm Dòm như muốn trút cơn giận lên Gs Luân, nó trả lời cộc lốc:
- Họp.. Họp.. Con khỉ gió của anh.!!!!! Anh lảnh tiền chúng tôi mà chẳng làm được gỉ cả! Chỉ việc nhỏ nhoi là ngăn cản thằng D.Ly, không cho nó diễn thuyết mà anh không làm được! Việc lớn hơn thì sao?
- Xin lỗi chủ tịch! Tui sẽ cố gắng trong tương lai...
    Vừa về đến Trung Tâm Văn Hóa, Luân vội vả tháo chiếc mặt nạ bỏ vào túi áo và ra xe lái về nhà. Trên đường về, hắn lái xe mà đầu óc cứ nghe văng vẳng những lời nói của Lâm Dòm làm cho tự ái của hắn dâng tràn. Nhưng hắn phải ngậm đắng nuốt cay để tiếp tục làm việc cho Hội Nông Dân, hắn chỉ mong kiếm được vài trăm đồng tiền thù lao mà chủ tịch Lâm Dòm bố thí cho hắn mỗi tuần!
     Hôm nay là ngày họp ở Trung Tâm Văn Hóa Virginia. Cuộc họp bàn về chương trình tổ chức mừng xuân Ất Dậu. Cuộc họp gồm những thành phần nồng cốt trong Hội Nông Dân như: Tư Bông, Luân, Lâm Dòm, Văn Bùi Nhùi và các vị cố vấn khác. Chủ tọa cuộc họp là lão già Tư Bông. Lão ngồi ở đầu bàn, dỏng dạc nói:
- Buổi họp hôm nay của chúng ta nhằm mục đích thành lập ban tổ chức Tết Ất Dậu....
      Không chờ đợi ai có ý kiến, lão Tư Bông “độc quyền” phân công cho đàn em:
- Tôi đề nghị chú Lâm Dòm làm trưởng ban tổ chức, chú Luân làm phó ban, chú Văn Bùi Nhùi đảm trách gởi thư mời đến các hội đoàn... Trách nhiệm của chú Luân là soạn thảo Thông Báo gởi đăng trên báo chí và Thư Mời quan khách Úc. Năm nay, theo đề nghị của chú Luân, chúng ta mời ngài thủ hiến Nam Úc đến dự tiệc mừng xuân với bà con nông gia vùng Virginia.
      Văn Bùi Nhùi nghe lão già Tư Bông khoe khoang có gởi thư mời thủ hiến, nó trố mắt nhìn và hỏi Tư Bông:
- Mời cả thủ hiến hả anh Tư? Ông thủ hiến nhận lời mời của chúng ta chưa?
- Thủ hiến chắc chắn tham dự! Bởi vì ông ta là bạn thân với chú Luân. Vì có liên hệ tình bằng hữu thì thủ hiến phải tham dự chứ!
- Oh! Hay quá! Tiệc mừng xuân Ất Dậu năm nay có thủ hiến tham dự sẽ làm tăng “uy tín” cho Hội Nông Dân của chúng ta. Bọn thằng D.Ly rồi đây sẽ cúi mặt, không dám tranh giành chức chủ tịch với chú Lâm Dòm nữa.
     Buổi họp phân công tác kết thúc. Mọi người chào nhau ra về. Vừa về tới nhà, Luân không kịp thay đồ, hắn ngồi vào bàn computer, mở máy soạn thông báo và thư mời. Luân cặm cụi soạn thông báo có nội dung rất cường điệu, nhằm dối gạt đồng hương nhẹ dạ đến tham dự tiệc mừng xuân cho đông đúc. Nội dung thông báo có đoạn tạo ấn tượng nhất cho người tham dự là: “... Đồng hương đến dự tiệc mừng xuân phải mặc y phục có màu sắc sống động vì có sự hiện diện của ngài thủ hiến ...”. Luân soạn thông báo xong, hắn điện thoại và đọc nội dung cho Tư Bông nghe:
- Alô! Alô!!! Anh tư hả? Tui đã soạn thông báo rồi, nhờ anh Tư gởi đăng trên báo chí...
- Chú mầy đọc nội dung cho anh nghe trước khi chuyển qua tờ báo ATB.
- Dạ!
       Khi Luân đọc đến đoạn: Mặc y phục có màu sắc sống động... Bên kia cuộc điện thoại, Tư Bông khoái chí cười hô hố:
- Haha! Haha! Chú mầy không thẹn là một giáo sư đại học. Chú mầy soạn thông báo rất là hiện thực. Anh sẽ đề nghị ban chấp hành Hội Nông Dân tăng lương cho chú mầy.
- Cám ơn anh Tư.
     Sau mấy tuần lễ đăng thông báo và quảng cáo rầm rộ trên tờ tuần báo Việt ngữ ATB với nội dung như: Chương trình tiệc mừng xuân Ất Dậu có những tiết mục văn nghệ, bắn pháo bông, múa Lân mừng xuân, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị Việt Nam do catering Using đảm trách và đặc biệt có ngài thủ hiến tham dự..v..v... Phần cuối cùng của Thông Báo có kèm theo lời ghi chú:
* Giá vé vào cửa là $50, vé phải mua trước vì chỗ ngồi có giới hạn nên không có bán vé tại cửa... Xin bà con nông gia tham dự đông đảo để thể hiện bản sắc văn hóa cổ truyền của sắc dân Việt Nam.
* Địa điểm tổ chức tại hội trường Thể Dục Thể Thao Virginia

***

     Hôm nay là ngày đãi tiệc mừng xuân Ất Dậu. Luân thức dậy thật sớm để chuẩn bị áo quần có màu sắc sống động và soạn bài diễn văn khai mạc cho chủ tịch Lâm Dòm. Luân lấy trong tủ ra chiếc áo sơ-mi màu vàng, chiếc quần màu xanh dương và chiếc áo veston màu xanh đọt chuối ... Xong xuôi, Luân nói vọng vào phòng, bảo vợ:
- Bà xã ơi! Em ủi giùm anh chiếc áo sơ-mi và chiếc quần...
     Bà Phương còn đang sật sừ giấc ngủ, giọng lè nhè đáp:
- Trời còn sớm, sao anh vội vàng thay đồ..
- Hôm nay anh phải đến trung tâm trước giờ khai mạc, ít nhất bốn tiếng đồng hồ để tập dợt cho ông chủ tịch Lâm Dòm đọc diễn văn...
- Tại sao phải tập dợt đọc diễn văn?
- Vì ông Lâm Dòm chưa bao giờ đứng trước công chúng nên sợ rằng ông ta bị mất bình tĩnh, lúng túng nói không ra lời!!!  
     Vừa bước đi ra khỏi phòng, bà Phương vừa nói:
- Đã biết mình không có tài và không có khả năng nói chuyện trước công chúng thì đừng nên tham vọng làm chức nầy chức nọ...
    Luân nghe vợ càm nhàm, hắn giải thích:
- Cũng nhờ nó tham danh chủ tịch nên anh mới có việc làm với chức vụ ngồi chơi xơi nước, chờ cuối tuần lảnh lương: Phụ tá ngoại giao cho chủ tịch.
- Chức vụ ảo mà anh cũng tự hào!
- Ảo hay thật gì thì anh cũng có vài trăm dollars bỏ túi mỗi khi dẫn dắt nó đi “ngoại giao” với chính quyền.
    Nghe chồng nhắc đến chữ tiền, bà vợ nhe răng cười, gật đầu nói:
- Ừ! Anh phải yêu cầu họ trả lương, đừng làm chuyện: Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.!!!
     Luân thay quần áo xong, hắn đứng trước tấm gương săm soi ngắm nghía trang phục, tỏ vẻ vừa ý với màu sắc “sống động” như thông báo của hắn đăng trên báo chí. Luân lấy chiếc mặt nạ trong túi áo ra, đeo vào mặt. Vừa đeo hắn vừa nói: Nhờ mầy mà tao mới dám đứng trên sân khấu diễn tuồng tối nay!!!
       Buổi chiều trên vùng Virginia vẫn còn oi bức với sức nóng của thời tiết mùa hè, dù nắng hạ đã tàn! Lác đác vài chiếc xe của ban tổ chức chạy vào sân rồi đậu im lìm nơi carpark dành cho quan khách VIP. Nơi cuối bãi đậu xe, lão sĩ quan Hải Quân trọn gói Hữu Ba đang vẫy tay chỉ chỗ cho xe đậu theo thứ tự. Trên ngực của lão đeo tấm bảng ghi hàng chữ màu xanh đậm: TRẬT TỰ VIÊN. Thỉnh thoảng lão đưa tay lên nhìn đồng hồ xem giờ, hình như lão đang trông đợi ngài thủ hiến tới để cho lão chỉ dẫn tài xế đậu vào đúng vị trí dành riêng cho khách VIP...
      Bên trong hội trường, mọi người đang thở bầu không khí nô nức chờ đợi sự hiện diện của ngài thủ hiến. Nơi gần sân khấu, một bàn reserved dành riêng để thết đãi thủ hiến. Mặt bàn được phủ tấm trải bàn màu sắc sống động đỏ hồng của xác pháo, biểu tượng cho ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Trên bàn có đặt bảng tên của thủ hiến, tên của Luân và tên của vài người có chức vị trong sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở Nam Úc. Đặc biệt có tên của lão Tú kèm theo hai mẫu tự AM, viết tắt của huy chương mà lão vừa bỏ tiền ra mua về...
     Nhưng đã quá giờ khai mạc mà chưa thấy thủ hiến đến để làm lễ và đọc diễn văn chúc Tết! Những quan khách đại diện các hội đoàn nhôn nháo nhìn ra ngoài với những cặp mắt buồn trông đợi. Riêng giáo sư Luân, hắn đi tới đi lui như gà mắc đẻ.!! Thỉnh thoảng hắn thốt lời lầm bầm trong miệng, trách người bạn thủ hiến của hắn:  
- Mầy không đến là tao sẽ không còn tình bạn với mầy nữa.!!!
    Bổng điện thoại di động của hắn reo lên. Bên kia cuộc gọi, người thư ký của thủ hiến lên tiếng hỏi:
- Cho tôi gặp ông Luân. (Can I speak to Mr Luân)
- Tôi đang nói chuyện đây! ( I’m speaking)
- Tôi báo tin cho ông biết là thủ hiến bận họp đột xuất nên không đến tham dự Tiệc Mừng Xuân của ông được! Thủ hiến gởi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng nông gia vùng Virginia..v..v.....
     Nhận được tin không vui, Luân lủi thủi bước lên sân khấu cầm micro báo tin:
- Kính thưa quí bà con! Ngài thủ hiến bận họp “khẩn cấp” về an ninh quốc gia nên ngài không đến tham dự tiệc mừng xuân Ất Dậu với chúng ta... Nhưng ngài có cử một phái đoàn gồm những giáo sư đại học đến chung vui với bà con nông gia Virginia! Bây giờ, chúng ta bắt đầu chương trình...
    Luân vừa nói xong, vài người khách tham dự thốt lên trong niềm thất vọng:
- Trời!!! Mầy đã dối gạt chúng tao! Gia đình tao mặc áo màu sống động để mong được chụp hình kỷ niệm với thủ hiến.. Mầy là thằng khốn kiếp.
   Luân trở lại bàn ngồi. Khuôn mặt của hắn hiện lên nỗi buồn thất vọng. Hắn kề tai lão Tú AM, than thở:
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!!!
     Thế mới hiểu được chân lý ở đời: Những kẻ gian dối, lừa thầy phản bạn bè... Họ không bao giờ được toại nguyện! Cho dù họ đã đeo chiếc mặt nạ để che đậy sự sĩ nhục và đánh lừa thiên hạ...

Virginia, mùa xuân Ất Dậu

Dương Đại Trường